Những người học nghề CGKL ở trường CĐN Cơ điện Hà Nội được trang bị hai nội dung chính, gồm lý thuyết và thành thạo những kỹ năng để đứng máy, vận hành các máy vạn năng. Nhà trường cũng dạy cho người học mảng công nghệ CNC - nền tảng để các DN sản xuất linh kiện, chi tiết; trong đó có đồ họa, thiết kế các chi tiết, sản phẩm cơ khí. Học xong thiết kế, sinh viên nghề CGKL được trang bị tiếp các kiến thức về lập trình, kết nối giữa các loại phần mềm trên máy tính với trung tâm gia công (phay CNC, khoan CNC, tiện CNC…) để gia công, đứng máy, bảo trì, bão dưỡng máy. TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng trường CĐN Cơ điện Hà Nội cho biết, nghề CGKL có vị trí việc làm rất rộng, bất cứ người nào học xong nghề này đều hoàn toàn có thể đứng máy phay, khoan, trung tâm phay… Hiện nay là thời kỳ của lao động chất lượng cao, cơ khí chính xác nên công việc của người học nghề CGKL rất nhàn và dùng trí tuệ nhiều hơn.
Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN, hiện nay một số trường ĐH, CĐ đã mở ngành, nghề CGKL. Đối với trường CĐN Cơ điện Hà Nội đó là việc đưa vào chương trình nhiều hơn các học phần công nghệ CNC và tiếng Anh cộng với thiết kế đồ họa. Nhà trường còn mời DN cùng vào đào tạo cho sinh viên từ năm học thứ hai. Trong quá trình sinh viên học và đứng máy làm việc tại DN được hỗ trợ 150.000 đồng/ngày cộng với bao ăn, ở.
Hiện nay, trường CĐN Cơ điện Hà Nội đang đào tạo nghề CGKL theo chương trình chuẩn quốc gia, chất lượng cao, quốc tế ở các trình độ. Đối với chương trình quốc gia, trường ký cam kết với sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng/tháng, chương trình chất lượng cao 7 triệu đồng/tháng và quốc tế theo chuẩn của CHLB Đức 10 triệu đồng/tháng. Đưa ra lời khuyên cho học sinh trong việc lựa chọn chương trình học nghề CGKL, ông Ngọc nói: Việc này phụ thuộc vào chính năng lực của từng người học. Sinh viên muốn học chương trình chất lượng cao thì năng lực ngoại ngữ tiếng Anh phải đạt trình độ đầu ra tương đương B1 khung tham chiếu châu Âu, tin học đạt chuẩn quốc tế và các kỹ năng khác. Đối với chương trình quốc tế, trình độ tiếng Anh tối thiểu tương đương B2, bởi sau khi sinh viên tốt nghiệp có khả năng sang Đức và các nước châu Âu làm việc. Trong trường hợp không thể học tốt ngoại ngữ, người học nên chọn chương trình chuẩn quốc gia để học. Với chương trình này, sinh viên vẫn được trang bị các kỹ năng khởi nghiệp để khi ra trường có thể hoạt động kinh doanh. Nếu có tài chính, các em hoàn toàn đầu tư mua máy móc để gia công sản xuất những sản phẩm cho xã hội.
Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc cũng nhấn mạnh tới việc, trong quá trình đào tạo nhà trường đã chọn những thị phần là các DN tự động hóa về cơ khí rất cao. Trường cũng mua sắm những máy công nghệ CNC hiện đại nhất của Đức để đào tạo nghề cho sinh viên. Chính vì thế, khi DN đến trường thấy sinh viên được dạy và gia công trên những trung tâm hiện đại đã ký cam kết tuyển dụng và bao luôn học phí. Vì thế, khi học nghề CGKL tại trường, người học cần chăm chỉ, nỗ lực để đạt được các kỹ năng cũng như sự đam mê để có thu nhập khá và nhiều cơ hội phát triển.